Những phát ngôn “gây sốc”
Nhân vật chơi gameshow “chiếm sóng” trên mạng xã hội thời gian qua có lẽ là cô gái “khoe” 12 mối tình trong chương trình “Ghép đôi thần tốc”.
Cô gái trẻ có những hành xử “lạ” cũng như phát ngôn “gây sốc” như kể chuyện từng trải qua 12 mối tình, từng chia tay một người bạn trai vì người này… béo ra, hết đẹp trai. Cô chia sẻ “tiêu chuẩn cao” về người yêu tương lai: Phải vừa đẹp trai, vừa giỏi giang, vừa kiếm được nhiều tiền, phải cho tiền cô tiêu hàng tháng, lại phải nấu ăn hàng ngày... Cô gái cũng khiến khán giả giật mình khi tuyên bố “sẽ bỏ người yêu” nếu cha mẹ người yêu già, đau ốm.
Những hành xử sau chương trình của cô gái càng khiến khán giả khó hiểu. Hết xin lỗi, cô gái này lại tuyên bố, mọi phát ngôn, hành động của cô trong chương trình là “được yêu cầu làm thế theo ý chương trình”.
Tiếp theo, cô còn quảng cáo cho một ứng dụng livestream nhạy cảm trên Facebook cá nhân của mình. Trong bài viết trên Facebook, cô gái nhấn mạnh phần mềm này cho phép người dùng xem các livestream “nóng”, có mở tính năng tặng tiền và một số nội dung tài xỉu, bóng đá, bầu cua.
Trong nhiều chương trình truyền hình thực tế thời gian qua, không ít người tham gia với mục đích chính là tạo scandal, gây sốc, tìm kiếm sự nổi tiếng. Trong một tập của gameshow “Hành lý tình yêu”, một người chơi khiến khán giả “xôn xao” khi đưa ra tiêu chuẩn người yêu “cao ngất”, đồng thời chê đàn ông Việt “yếu, kém” chuyện chăn gối.
Ở game show “Ngôi sao tình yêu”, một cô gái trẻ sau khi vượt qua nhiều vòng thi, chinh phục được một người mẫu điển trai lại tiết lộ mình đã có người yêu, chỉ đến vì “đam mê ánh đèn sân khấu”.
Tương tự, trong không ít chương trình hẹn hò, nhiều thí sinh thể hiện khẩn thiết muốn tìm kiếm “nửa kia” của mình, nhưng cuối cùng bị khán giả phát hiện là thí sinh “chuyên nghiệp” tham gia các gameshow hẹn hò, cũng từng nhiều lần “tìm được nửa kia của mình”. Hóa ra, họ là những người mượn truyền hình trực tuyến để được lên sóng, được công chúng biết đến càng nhiều càng tốt.
Cơ quan quản lý cần vào cuộc
Có lẽ một số người trẻ đã đạt được điều họ mong muốn là được biết đến nhiều hơn sau khi “gây sốc” trong các gameshow thực tế. Như trường hợp cô gái trong gameshow “Hẹn hò thần tốc” nói trên, trang Facebook của cô nhanh chóng đạt mốc hơn 35.000 người theo dõi sau chương trình.
Một số người bỗng chốc nổi tiếng, tham gia gameshow hài, sau đó đi diễn cát xê tăng cao hàng chục lần. Có người tham gia chương trình ca hát rồi thành ca sĩ chỉ sau một mùa thi. Cũng có không ít người, thi rớt ở các gameshow tài năng, chọn gameshow hẹn hò để gây chú ý, sau đó ra MV ca nhạc và thu hút được lượng người xem không nhỏ.
Sự nổi tiếng như vậy thường không giữ được lâu. Chỉ trong một thời gian ngắn, ồn ào cũng nguội đi, nếu họ không có thực tài cũng sẽ bị lãng quên.
Tuy nhiên, đáng lên án hơn cả là những người đứng sau chiêu trò, tức nhà sản xuất các chương trình sắp đặt tạo những kịch bản “drama”, gây tranh cãi để hút rating, đưa lên sóng truyền hình những phát ngôn không tôn trọng đạo đức, luân lý xã hội… Nhiều khán giả vẫn dành sự ưu ái cho các chương trình hẹn hò. Bởi chuyện tình yêu, hôn nhân luôn có một vị trí đẹp, thiêng liêng trong trái tim mỗi người.
Người xem háo hức theo dõi chương trình, với mong muốn những người cô đơn có đôi có cặp, những người xứng đáng sẽ có được tình yêu chân chính. Nhưng tiếc rằng, các nhà sản xuất gameshow lại tận dụng cảm tình ấy, hợp tác với những thí sinh mê danh tiếng để đem những điều giả dối, những giá trị ảo lòe mị khách hàng hòng tìm kiếm lợi nhuận.
Phải chăng, đã đến lúc cơ quan quản lý cần một chiếc “vòng kim cô” siết các chương trình truyền hình thực tế, để khán giả được xem những chương trình truyền hình thực tế có sự chân thật, có giá trị, có ích cho đời sống tinh thần. Và trên hết, khán giả được tôn trọng chứ không bị lừa dối, “dắt mũi” hết lần này đến lần khác bởi chương trình và bởi người chơi.