“Tai nạn” trên mạng xã hội
Mới đây, mạng xã hội lan truyền ảnh chụp màn hình bài viết từ trang cá nhân của nghệ sĩ Đức Hải với một số từ ngữ thiếu văn hóa để công kích một nữ doanh nhân. Nhiều người đã chỉ trích Đức Hải vì cho rằng ông phát ngôn kém văn minh, trong khi bản thân là một nghệ sĩ gạo cội, đồng thời đang giữ cương vị lãnh đạo một trường đào tạo về nghệ thuật.
Ngay sau đó, nghệ sĩ Đức Hải lên tiếng cho biết tài khoản Facebook bị hack, ông không đăng nội dung như mạng xã hội lan truyền và cho biết có thể sẽ nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để “làm rõ trắng đen”.
Đức Hải không phải nghệ sĩ duy nhất cho biết bị hack Facebook. Năm ngoái, cầu thủ Quang Hải cũng là nạn nhân của hacker. Sau khi chiếm đoạt tài khoản cá nhân của Quang Hải, hacker đã đăng tải loạt tin nhắn của anh và bạn bè lên mạng xã hội, trong đó lộ ra nhiều thông tin nhạy cảm.
Quang Hải đứng trước luồng dư luận trái chiều mạnh mẽ vì những thông tin hé lộ một “con người khác” của nam cầu thủ. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận công chúng lên án chuyện Quang Hải bị chiếm đoạt Facebook, bị xâm phạm đời tư nghiêm trọng. Nhiều người nổi tiếng cũng lên tiếng chia sẻ với cầu thủ và đề nghị xử lý nghiêm hacker. Trước đó, nhiều người nổi tiếng như Hoa hậu Đặng Thu Thảo, Lan Khuê, hot girl Khả Ngân, Đức Phúc, Phạm Hương, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà đều bị hack Facebook.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Đoàn Luật sư TP HCM, Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định, hành vi hack Facebook người khác bị phạt hành chính 10 triệu đồng, còn hack với mục đích xâm nhập thu thập thông tin, thay đổi, xóa bỏ thông tin… sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.
Cụ thể, Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng và phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng…
Thực hư “hacker”
Trở lại trường hợp nghệ sĩ Đức Hải, mới đây, anh lại tiếp tục lên tiếng cho biết không phải mình bị hack Facebook mà bị con nuôi dùng trái phép Facebook để đăng tải những điều không chính danh, không đàng hoàng. Đồng thời, Đức Hải cũng cho biết đang bị nhiều hacker tống tiền.
Tuy nhiên, những giải thích nhiều lần của nam nghệ sĩ không thuyết phục được cộng đồng mạng. Nhiều người đưa ra các dấu hiệu cho thấy có thể bài viết đăng trên Facebook chính là do Đức Hải viết, dựa theo cách hành văn, cách sử dụng dấu, cùng với những bình luận anh để lại khi trò chuyện với bạn bè. Nhiều người nhắc lại sự việc tương tự cách đây vài năm, khi một nữ diễn viên hài “đấu khẩu” với một nữ người mẫu trên mạng xã hội. Sau đó, nữ danh hài cũng phân trần mình bị “hack Facebook”.
Có thể thấy, “bị hack Facebook” là lý do của không ít nghệ sĩ thời gian qua, sau khi trang cá nhân trên mạng xã hội có những phát ngôn không chuẩn mực và bị cộng đồng lên án. Không biết thực hư sự việc ra sao nhưng các trường hợp này thường đưa đến nhiều nghi vấn cho công chúng.
Công chúng đòi hỏi một câu trả lời rõ ràng. Nếu nghệ sĩ thực sự bị chiếm đoạt trang cá nhân, họ cũng nên lên tiếng mạnh mẽ và tố cáo đến cơ quan chức năng để lấy lại sự trong sạch cho mình, góp phần cảnh cáo hành vi chiếm đoạt thông tin. Như nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng báo cơ quan chức năng khi bị hacker chiếm quyền kiểm soát tài khoản, đồng thời bị giả mạo tài khoản để lừa đảo trên mạng xã hội.
Còn nếu không có chuyện hacker, nghệ sĩ cũng nên dũng cảm đối mặt với cái sai của mình. Nếu cứ đổ lỗi, lập lờ, sẽ mãi để lại nghi vấn trong lòng công chúng cũng như vết đen trong sự nghiệp của nghệ sĩ.