Mạo danh lừa tiền
Tuần vừa qua, một người tên N.V.B được cho là mạo nhận nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Thăng Long, đạt Huy chương Vàng cá nhân cho vai Roberto trong vở “Hào quang từ quá khứ” tại Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2015. B đăng bài viết lên mạng xã hội để khoe “thành tích”.
Điều này khiến các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long bất bình và lo lắng bởi Nhà hát không có nhân viên, cộng tác viên nào tên như vậy và việc B mạo danh, “nhận vơ” giải thưởng có thể làm mất uy tín Nhà hát, gây những hệ lụy khác.
Mới đây, khi nhà thiết kế Nhật Dũng qua đời vì bạo bệnh, một trang Facebook được lập ra lấy tên của nhà thiết kế này, đồng thời giả mạo là người thân của anh đăng tải số tài khoản, kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ… gửi tiền phúng viếng. Trước đó mạng xã hội cũng từng xuất hiện những tài khoản giả mạo tên nhiều nghệ sĩ kêu gọi giúp đỡ nghệ sĩ Lê Bình và Mai Phương trị bệnh ung thư.
NSND Hồng Vân và nghệ sĩ Quốc Thuận cũng bức xúc vì những facebook giả tên mình để “vòi vĩnh” khán giả ủng hộ cho nghệ sĩ Lê Bình và diễn viên Mai Phương. Hoa hậu Thu Thảo từng bị một phụ nữ giả danh quản lý để lừa đảo, kêu gọi quyên tiền từ thiện cũng như thay cô ký những hợp đồng thương mại nhằm chiếm đoạt tiền. Đỉnh điểm là việc người này tự ý thay mặt cô để ký hợp đồng đóng phim và yêu cầu nhận trước 30% giá trị hợp đồng.
Không chỉ bị làm facebook giả để lừa khán giả ủng hộ, các “sao” Việt còn bị lợi dụng quảng cáo sản phẩm nào đó. Ca sĩ Mỹ Linh đã bày tỏ sự bức xúc về việc một website mạo danh vợ chồng chị để quảng cáo thuốc chống ngáy ngủ. Trước đó, từ các tỉnh, thành lớn nhỏ đến các fanpage bán hàng online giả mạo hình ảnh người nổi tiếng xuất hiện tràn ngập khắp nơi, nhiều nhất là: Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Trinh, Phương Trinh, Hồ Ngọc Hà...
Cách đây vài năm, hình ảnh Hoa hậu Kỳ Duyên bị cắt ghép để làm poster quảng cáo cho bìa đĩa “phim nóng” và phòng khám dành cho nam giới lớn tuổi tại Nhật Bản. Sự việc này khiến Kỳ Duyên choáng váng và suy sụp. Người mẫu Khánh My cũng bất ngờ và bức xúc khi biết tin hình ảnh của mình bị một trang facebook lợi dụng quảng cáo cho dịch vụ cung cấp người mẫu VIP tiếp khách, đi tour trọn gói, thậm chí cả dịch vụ người mẫu ngủ "trong sáng" với giá vài trăm USD…
Bị mạo danh nhiều như vậy nhưng trong giới nghệ sĩ chỉ có ít người nổi tiếng nhờ pháp luật bảo vệ danh dự cho mình như Đàm Vĩnh Hưng, Đan Lê. Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ ngại va chạm hoặc cho rằng quy trình kiện tụng phức tạp, mất nhiều thời gian theo đuổi. Họ hầu như chọn cách bỏ qua, “ngậm đắng, nuốt cay” khi thấy hình ảnh mình bị bôi nhọ, lợi dụng vào mục đích xấu.
Bi hài “nhái” nghệ danh
Hiện nay, “hàng nhái, hàng giả” len lỏi cả vào lĩnh vực nghệ thuật. Nhiều khán giả đã mừng hụt khi thấy tên ca sĩ Tuấn Hưng được quảng cáo nổi bật trên băng - rôn nhưng khi xem chương trình thì hóa ra là ca sĩ Tuấn Hùng. Bầu sô không biết vô tình hay cố ý đã quảng cáo “nhầm” Tuấn Hùng thành Tuấn Hưng? Khi có người hỏi bên tổ chức, “ông bầu” giải thích do… lỗi chính tả!
Một kiểu “biến hoá” khác là in đậm, in to dòng chữ đề tên các “sao” đi kèm dòng “chú thích” nhỏ phía dưới. Khán giả Hải Phòng đã được phen “chết ngất” khi phải nghe một giọng ca mạo danh Đàm Vĩnh Hưng. Trước tình cảnh đó, “ông bầu” lên sân khấu nói: “Các vị không xem băng rôn à, tôi ghi Đàm Vĩnh Hưng, ở dưới ghi chữ “em” vào đó. Có nghĩa là, giọng của ca sĩ này đáng là “em” của Đàm Vĩnh Hưng!”
Việc “nhái” nghệ danh làm ảnh hưởng nhiều tới những nghệ sĩ chân chính. Dư luận từng xôn xao trước tin “Ca sĩ Jinny Nguyễn bị tố giao cấu với trẻ em” khiến nhạc sĩ có cái tên na ná là Jimmii Nguyễn nóng ruột vì cho rằng danh dự của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh cho biết từng bị nhiều người mạo danh. Biết trước có thể gặp chuyện này, khi chọn nghệ danh, anh đặt là Jimmii JC Nguyen, với hai chữ “i” ngắn chứ không phải “y” dài ở cuối cho đặc biệt. Vậy mà vẫn vướng rắc rối. "Cái tên Jinny Nguyễn, nhìn qua, nghe qua rất dễ khiến khán giả hiểu nhầm".
Những người mạo danh nghệ sĩ, người nổi tiếng trên mạng xã hội sẽ bị xử lý theo Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ 1/1/2019. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của người khác mà không xin phép, gây ảnh hưởng đến uy tín, tổn thất lớn cho người đó thì không những bị xử lý theo pháp luật dân sự mà còn bị xử lý theo pháp luật hình sự.
Việc mạo danh nghệ sĩ trên mạng xã hội còn có chế tài xử lý, nhưng vấn nạn “nhái” nghệ danh lại khó kiểm soát. Trên thực tế, các chương trình “nhái nghệ sĩ” thường được tổ chức một đêm duy nhất tại mỗi địa phương, “bầu sô” không quay lại, khiến khán giả bị lừa gạt không biết kiện ai.
Việc bảo vệ quyền lợi của khán giả, nghệ sĩ cũng chưa được quan tâm đúng mức ở nhiều địa phương. Phản ứng của cơ quan chức năng bị đánh giá còn chậm, thậm chí hờ hững. Hiện chưa có quy định cụ thể nào hướng dẫn nghệ sĩ xử lý khi bị “nhái” nghệ danh, ảnh hưởng đến danh dự, hình ảnh.