Mới đây, phim truyền hình “Cây táo nở hoa” đang bị khán giả đồng loạt phản ứng, dù trước đó tạo hiệu ứng rất tốt. Bộ phim lấy kịch bản từ Hàn Quốc, với tên gốc Liver Or Die. Tựa phim “Cây táo nở hoa” được cho là lấy từ tứ thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/Tại sao cây táo lại nở hoa”. Từ khi còn là một dự án được quảng bá, bộ phim đã thu hút sự chú ý của khán giả. Nhiều người kì vọng, đây sẽ là một bộ phim hay, tươi sáng, ăm ắp tình người.
Ở những tập đầu, bộ phim cũng nhận được nhiều đánh giá tốt. Người ta yêu thích nhân vật Ngọc (Thái Hòa đóng), người anh hai hy sinh bản thân mình để nuôi bốn người em Ngà, Châu, Báu, Dư. Những câu chuyện rắc rối quanh gia đình nhỏ làm khán giả có cười, có cảm động. Tập 1 của phim phát trên YouTube đã đạt tới trên 6,6 triệu lượt người xem. Tập 33 đăng lên ngày 16/6, đạt trên 2,6 triệu lượt.
Thế nhưng, đến những tập gần đây, người xem dường như không còn được xem một bộ phim truyền hình Việt giản dị về những người lao động nữa, thay vào đó là một phim nhiều những nút thắt - mở, những tình tiết kịch tính đến “nghẹt thở” liên tục diễn ra. Bộ phim khiến người xem mệt mỏi trong những bi kịch phi lý liên tục xảy ra với các nhân vật xoay quanh tình - tiền - lừa dối - lợi dụng.
Tương tự, một bộ phim truyền hình khác, ban đầu nhận khen ngợi, nhưng đến thời điểm này cũng sa đà vào con đường “bi kịch hóa” là phim “Hương vị tình thân”, cũng lấy kịch bản Hàn Quốc với đề tài gia đình. Đến thời điểm này, khán giả bắt đầu bày tỏ sự chán ngán với những tình tiết kịch tính vô lý xuất hiện trong phim.
Thực sự, thời gian qua, truyền hình Việt đã được khán giả ủng hộ trở lại sau một thời gian lạnh nhạt. Nhiều bộ phim như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”… có được lượng người xem cao ngất, được bàn tán sôi nổi ở khắp mọi nơi trong đời sống hàng ngày.
Thế nhưng, món ăn nào cũng vậy, ăn mãi rồi phải chán. Những phim gần đây như “Hướng dương ngược nắng”, “Gạo nếp, gạo tẻ”… càng đi theo hướng bi kịch hóa, “cố đấm ăn xôi”, kịch bản kéo dài lê thê, gượng ép và xuất hiện nhiều “lỗ hổng” khiến phim mất dần khán giả về cuối phim. Nói về kịch bản phim truyền hình Việt thời gian này, nhiều khán giả cho rằng, phim hay thì có hay nhưng nhiều bi kịch quá, căng thẳng và “nghẹt thở” quá, xem ít thì được, còn càng xem lại càng mệt mỏi.
“Đời này rất nhiều điều nhẹ nhàng và đẹp đẽ, nhiều thú vị và cảm động. Cứ nhìn cuộc sống quanh ta thời gian này cũng có thể thấy được điều đó. Sao các nhà làm phim truyền hình không phản ánh những cái hay ấy lên phim, mà cứ chạy theo những kịch bản nước ngoài với drama, bi kịch hóa, đi lòng vòng quanh câu chuyện tình tiền, phản bội, người thứ 3… Vừa xa rời thực tế, vừa không đem những năng lượng tích cực cho người xem”, ông Lương Hoàng Hùng, một thành viên diễn đàn phim đưa ra nhận xét. Và nhận xét này là hoàn toàn có lý giữa bối cảnh cả đất nước đang gồng mình chống dịch, có rất nhiều con người tuy cuộc đời không hề có chút drama nào như phim nhưng họ vẫn đã và đang mang đến cho mọi người vô vàn những điều tốt đẹp.