Khôi phục du lịch nội địa – kết nối xanh. |
Khôi phục du lịch nội địa
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ: “Là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, Du lịch Việt Nam gần 2 năm qua đã vô cùng khó khăn để tồn tại nhưng luôn sẵn sàng vươn lên khi có điều kiện để khôi phục lại ngành kinh tế đang được cả xã hội kỳ vọng.
Từ đầu năm 2020 đến nay đã 4 lần dịch bùng phát nhưng vẫn có hàng loạt chương trình kích cầu du lịch mỗi khi dịch được kiểm soát, thể hiện sự quyết tâm cao của những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh này đòi hỏi ngành Du lịch phải thay đổi.
Khái niệm “du lịch an toàn” đã xuất hiện, tuy không phải là mới nhưng nội dung lại hoàn toàn mới. Yếu tố an toàn đã trở thành một yêu cầu, một nội dung bắt buộc trong hoạt động du lịch.
Do đó, “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục lại du lịch Việt Nam, trước tiên là khôi phục du lịch nội địa, trên cơ sở phù hợp một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến thực tế của dịch bệnh, từng bước chuyển du lịch theo khái niệm mới “du lịch an toàn”, tiến tới khôi phục du lịch trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”. Yếu tố an toàn đã trở thành một yêu cầu, một nội dung bắt buộc trong mọi hoạt động du lịch”.
Cuối tháng 9/2021, Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức “Lễ phát động trực tuyến Chương trình Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19” với sự tham dự của hơn 30 điểm cầu tại các địa phương.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy nhấn mạnh: “Yêu cầu đặt ra là bảo đảm mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng, chống dịch và hoạt động du lịch, lữ hành. Giải pháp phục hồi thị trường du lịch nội địa và quốc tế đều đã được đặt ra trong Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Theo đó, ngành Du lịch sẽ triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”; đồng thời, thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang).
Trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước như: Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng). Phương châm “khởi động lại hoạt động du lịch - chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn” đã đến lúc phải thực hiện khi đã an toàn về y tế, phải an toàn trong quản trị, điểm đến, điểm vui chơi và các sản phẩm du lịch.
Tại buổi lễ phát động, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã thông tin cụ thể hơn về chương trình khôi phục du lịch nội địa. Cụ thể, chương trình phát động với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam” với mục tiêu là chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới với tư tưởng sống chung với COVID-19, xây dựng du lịch thành một ngành kinh tế du lịch an toàn.
Ngành Du lịch sẽ áp dụng 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Chính phủ. Trong đó, ngành tuân thủ nghiêm hướng dẫn của cơ quan y tế, đồng thời tổ chức các hoạt động du lịch một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế phòng, chống dịch.
Có báo cáo đánh giá ngay sau khi kết thúc thực hiện chương trình du lịch và theo dõi y tế trong một thời gian nhất định hoặc theo quy định để xử lý tình huống có thể xảy ra đối với người lao động và thành viên đoàn khách sau chuyến đi.
Điểm đáng chú ý trong chương trình khôi phục du lịch nội địa lần này là đã nêu ra các tiêu chí an toàn. Đối với khách du lịch, những du khách từ 18 tuổi trở lên, cần đảm bảo tiêm đầy đủ các liều vắc xin ngừa COVID-19 với loại vắc xin đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng và qua 14 ngày kể từ khi tiêm mũi cuối cùng. Hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm COVID-19, cần có xác nhận của Sở Y tế hoặc có xác nhận đủ kháng thể theo quy định trong trường hợp cá nhân tự điều trị tại nhà. Có thời gian tính từ khi khỏi bệnh không quá 12 tháng.
Còn khách du lịch dưới 18 tuổi cần có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp RT- PCR trong vòng 72 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch ra ngoài tỉnh, thành phố nơi cư trú.
Nhiều người thích thú khi đi du lịch bằng xe đạp... |
Tạo “bong bóng du lịch” giữa các “điểm xanh”
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, cần tạo ra “bong bóng du lịch” giữa các “vùng xanh”, “điểm xanh” với nhau, chứ không chờ đến khi cả tỉnh đều “xanh” thì mới mở cửa du lịch. Trước tiên, các đoàn du lịch sẽ dùng đường bộ và đi bằng xe riêng tới các tỉnh, thành phố đã sẵn sàng đón khách, sau đó có thể bổ sung các chuyến bay thuê bao nội địa. Như vậy thì dù trong dịch bệnh, ngành du lịch vẫn có thể hoạt động được.
Theo ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, hiện nay rất nhiều công ty du lịch không thể cầm cự thêm nữa, trong khi kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế sẽ không dành cho số đông doanh nghiệp và địa phương: “Đẩy mạnh du lịch nội địa an toàn giữa các “vùng xanh” sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp, địa phương được tham gia và hưởng lợi hơn, trong bối cảnh nhiều đơn vị đã rất khó khăn như hiện nay. Các tour du lịch sẽ theo hình thức khép kín và được giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo an toàn”.
Chương trình hành động “Du lịch xanh – xanh” nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch xanh cũng như điều kiện đưa - đón khách Hà Nội đến các tỉnh, thành phố an toàn phòng, chống dịch và ngược lại.
Theo kế hoạch mà Hội Lữ hành Hà Nội xây dựng, để du lịch hoạt động trở lại bảo đảm an toàn, cần đáp ứng các tiêu chí “xanh”. Đây là chiến dịch thúc đẩy du lịch nội địa, trước mắt là kết nối đường bộ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận. “5 xanh” gồm thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh.
Hội Lữ hành Hà Nội, Câu Lạc bộ Du lịch bền vững Vgreen đã chuẩn bị nhiều tour du lịch trải nghiệm bằng xe đạp, sẵn sàng đón khách có nhu cầu tham quan tại Hà Nội và quanh Hà Nội. Du khách có thể đi tour caravan di chuyển bằng xe cá nhân tự lái về thăm Đường Lâm - Làng cổ đất hai Vua (Hà Nội), Hoa Lư - Cố đô nghìn năm (Ninh Bình), Đông Tây Bắc - Tuyệt tác vùng cao và Sa Pa - Vừa quen vừa lạ; tour mùa thu đến Bình Liêu, Yoko Quang Hanh (Quảng Ninh), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mộc Châu (Sơn La) hay Long Cốc và Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ)…
Các đơn vị lữ hành, tiêu biểu như: Hanoitourist, VietFood Travel, VietTrantour, Asia Sun Travel... đã giới thiệu những sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Giám đốc VietFood Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết: Công ty xây dựng và giới thiệu dòng sản phẩm xe đạp, khi sử dụng phương tiện giao thông bằng xe đạp khách được đi khám phá, trải nghiệm các điểm tham quan đẹp trong không gian mở, đồng thời tăng thêm sức khỏe cho du khách.
“Lễ phát động trực tuyến Chương trình Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19” nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương với kịch bản, chuẩn bị sẵn sàng các phương án mở cửa đón khách đảm bảo tiêu chí an toàn đến với “vùng xanh”, như: Quảng Ninh, Hà Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận…
Ông Phạm Văn Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh: “Cần quản trị tốt điểm đến sao cho an toàn, từ đó liên kết với các doanh nghiệp nối lại du lịch các vùng, các miền. Để tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá cho hoạt động của ngành, Tổng Cục Du lịch tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số”.